Phía nam biên giới, phía tây mặt trời

Kể từ hai ba năm trở lại đây, sau khi đọc xong Kafka trên bờ biển, tôi nghĩ mình không có nhu cầu đọc thêm tiểu thuyết gì của Murakami nữa. Trước đây tôi không thể nghĩ có ngày Murakami lại trở thành loại tác giả “sòn sòn” viết ra những cục gạch 800 trang vô nghĩa, chắp vá gắn mác siêu hình, nhưng có lẽ, bất cứ thứ gì đều có đỉnh cao và sau đó là dốc trượt, chỉ là Murakami không đủ tầm để thoát ra khỏi cái quy luật tầm thường đó.

Nói đi thì cũng phải nói lại, Murakami là một nhà văn lớn. Ông có thể không giữ được phong độ của mình, dù thế truyện của ông, khi đặt giữa bối cảnh văn hóa downtrend trên toàn thế giới, phải nói là loại khá. Văn của ông dễ hấp thụ, chiều độc giả, trong thời gian đã quá chán ngán với thị trường sách vn này, tôi cũng đọc hết được Phía nam biên giới, phía tây mặt trời chỉ trong vài lần cầm sách. Tôi biết truyện này được viết vào năm 1992, gần với Rừng Nauy, đỉnh cao của Murakami, năm 1987, vì thế có lẽ nó không đến nỗi tệ như các truyện sau này.

Việc đọc diễn ra đúng như tôi nghĩ. Phía nam biên giới, phía tây mặt trời, tuy đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của nhu cầu muốn tỏ ra bác học, thần bí, vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều từ Rừng Nauy. Không phải là quá khi nói rằng nó gần như là Rừng Nauy phần 2. Vẫn là những mất mát từ thời thơ ấu hằn lên tâm hồn con người, ám ảnh họ, khiến họ quay quắt, dằn vặt, vẫn là những đấu tranh để thoát ra khỏi vũng bùn cô độc sâu thẳm, điều tưởng như đã được vùi lấp từ lâu. Vấn đề muôn thưở là, phần 2 không bao giờ hay bằng phần 1, thường nó chỉ là một bản sao tồi. Vẫn là những công thức ấy, vẫn là cách tranh thủ sự đồng cảm dễ dãi của độc giả ấy, nhưng những nhân vật chính đã không còn là những cô cậu sinh viên trong trắng, đau khổ và lạc lõng nữa. Họ đều đã gần 40 cả rồi. Nếu những nhân vật trong Rừng Nauy làm tôi thông cảm sâu sắc và hơi khó chịu cho sự yếu đuối, thì những nhân vật trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời, chỉ làm tôi hơi thông cảm và thật sự mà nói là coi thường. Người ta không thể nào cứ yếu đuối mãi như vậy cho đến tận năm 40 tuổi. 40 tuổi phải là tuổi của sự viên mãn về mặt tâm hồn, nên là tuổi của trách nhiệm và lý tưởng. Không có gì đáng tha thứ nữa khi một ông trung niên làm những điều xấu và rất thành thực tự nhận lỗi : đấy là con người tôi, không thể khác được, tôi có muốn thế đâu nhưng tự nhiên tôi cứ làm những việc khiến những người tôi yêu đau khổ. Phía nam biên giới – khát vọng về một cái gì thơ ấu dịu dàng, phía tây mặt trời – sự tuyệt vọng khi nghĩ đến cái trống rỗng của đời sống thường nhật, cả hai điều đó là không đủ đề bào chữa cho nhân vật chính – Hajime – một dạng Wanatabe không bao giờ lớn.

———
Note 1 : có thể nói trong các truyện của Murakami, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời được các thể loại gái, nhất là gái văn phòng thích nhất, bây giờ tôi đã hiểu tại sao : gái tìm được ở đó một sự bào chữa dễ dãi, được thi vị hóa cho những thói lăng nhăng rẻ tiền của mình. (mặc dù sự lăng nhăng của Hajime không hẳn là rẻ tiền.)

Note 2 : đến cuối truyện những dấu vết của thói khoa trương thần bí, siêu hình của Murakami bắt đầu xuất hiện, với loạt sự kiện diễn ra giữa Hajime và Shimamoto-san, cái “rất thật mà lại có lẽ là không thật”. Sau này nó sẽ phát triển dây chuyền lên trong Biên niên sử chim vặn dây cót, Người tình Sputnik, Kafka trên bờ biển và tôi đoán chắc là ở cả hai truyện mới nhất After Dark và 1Q84. Cứ khi nào một nhà văn cố tỏ ra bác học và uyên bác thì văn của ông ta sẽ thối không ngửi nổi, như một con ếch nuốt một nghìn con chuột, và nó nghĩ nó to bằng một con bò.

Leave a comment