3-Iron

.

‘Cause I only feel alive when I dream at night

– Marc Anthony

.

Năm 2020 này, một phần vì covid khiến số phim mới ra rất ít, một phần vì tôi đã xem hết các phim hay, thi thoảng tôi xem lại một số phim cũ và lại thấy được nhiều điều mới. Nhân có tin Kim ki duk vừa mất cuối tuần trước, tôi xem lại 3-Iron và The bow.

Phim cuối cùng của ông mà tôi xem là Pieta (2012), khi đó đã có cảm giác nó không bằng được mấy phim trước. Thời kỳ sung sức và sáng tạo nhất của ông là từ năm 2000 đến 2007, mở đầu với The isle ấn tượng, sau đó là một loạt các phim hay như Address Unknown (2001), Bad guy (2001) ; rồi đến giai đoạn đỉnh cao với Spring, summer, fall, winter.. and spring (2003), Samaritan Girl (2004), 3-Iron (2004) ; sau đó nữa là The bow (2005), Time (2006) và Breath (2006) với phong độ bắt đầu đi xuống. Hai phim hay nhất của ông dĩ nhiên là Bốn mùa và 3-Iron.

Bốn mùa là một bộ phim hay, có thể gọi là một bài thơ điện ảnh, và nó được nhiều người thích còn vì triết lý của nó đơn giản, dễ tiếp cận. Kim ki duk là một nghệ sĩ của sự ẩn dụ, triết lý đạo phật trong phim ông không sâu, có khi hơi khiên cưỡng như trong The bow (Cánh cung). Tôi thích 3-Iron hơn. Trước đây tôi cảm thấy mà chưa hiểu rõ tại sao mình thích nó hơn Bốn mùa. Lần này xem lại, tôi thấy 3-Iron là một bộ phim buồn hơn là tôi từng nghĩ. Nó có tình yêu, nó đẹp và buồn. Chính xác là những thứ mà tôi thích nhất ở một tác phẩm nghệ thuật.

Tại sao giờ cảm giác đó lại rõ ràng hơn hồi xưa ? Tae-suk (Hee Jae) và Sun-hwa (Seung Yun Lee) là hai trái tim cô đơn, lạc lõng ngay trong lòng xã hội. Họ từ chối con đường thông thường : Hee Jae có bằng đại học nhưng không đi làm, lại chọn sống cuộc đời của kẻ lang thang đột nhập ; Sun hwa từng là người mẫu ảnh, giờ sống như một con ma im lặng trong căn nhà lớn. Họ ít nhiều là nạn nhân của sự bạo hành. Và như một người từng nói, tình yêu đẹp không phải là khi một trái tim nóng biết sưởi ấm cho một trái tim lạnh giá, tình yêu đẹp là khi hai trái tim bản thân giá lạnh lại có thể sưởi ấm cho nhau. Khi Sun-hwa chạy ra ngoài đường, nhảy lên ngồi sau xe máy của Tae-suk, một cuộc phiêu lưu bắt đầu. Nó hơi giống với cuộc phiêu lưu của Pierrot le fou và Marianna. Ở nó có cái phấn khích của sự mơ hồ, cái nhẹ nhõm của gông cùm đã cởi, sự bất cần thường thấy ở những kẻ chưa từng trải hoặc đã từng trải mà muốn quên đi, và cả cái ý thức về nỗi tuyệt vọng không cách nào dập tắt, rằng như mọi chuyến phiêu lưu, cuộc vui này rồi sẽ có lúc tàn.

Trước đây tôi không nghĩ phim này có một cái kết buồn. Gần cuối, phim trở nên siêu thực, và trong cõi siêu thực thì vui và buồn thật khó phân định. Tôi nghĩ hai người đã chiến thắng theo cách của riêng họ. Tae-suk học được cách lẩn trốn vào điểm mù của loài người, trở nên vô hình, chỉ hiện hữu với những người anh cho phép nhìn thấy. Đấy phải chăng chính là thứ Tae-suk muốn từ lâu ? Khi làm kẻ đột nhập, anh cũng là một người tàng hình ở một mức độ nào đó. Những chủ nhà không nhìn thấy anh mà chỉ thấy dấu vết tốt đẹp mà anh để lại. Tae-suk từ chối xã hội, từ chối các quy tắc của nó, không muốn sống trong nó, trở thành một thực thể tự do tuyệt đối. Sun-hwa trở lại với kẻ đã bạo hành cô, sống ngoan ngoãn bên ngoài. Cuộc phiêu lưu đã phần nào hồi phục sức mạnh tinh thần của Sun-hwa, như tấm ảnh vỡ của cô ngày càng hoàn chỉnh lại. Bên trong cô là một thế giới hoàn toàn khác. Mọi hành động của cô trở nên đa nghĩa, thể xác cô sống cùng chồng, tâm hồn cô sống cùng Tae-suk. Cô không còn dễ bị bắt nạt. Cả hai người thất bại nếu nhìn từ bên ngoài, nhưng đã thắng lợi ở bên trong.

Câu tôi vừa viết, tôi đã gặp ở không ít tác phẩm văn học và điện ảnh. Cuối cùng thì thứ duy nhất con người có thể kiểm soát chỉ là ý chí của mình, đúng không nào ? Chủ nghĩa khắc kỷ luôn luôn nhắc lại điều này. Nhưng tôi không thể không cảm thấy buồn. Tôi của tuổi trung niên rất khó gọi kết cục của hai người là một chiến thắng. Họ giống như những trái bóng golf buộc dây quanh gốc cây trong phim, không gì có thể đem lại tự do thực sự cho họ. Đôi khi số phận, giống như cây 3-Iron, quật cho họ một nhát thật mạnh, và giống như trái bóng bị trói bật quay quanh gốc cây mấy vòng rồi lại hạ xuống, họ không đi đâu được cả. Chỉ là chút xáo trộn mà thôi. Họ ở lại đó, và sẽ chịu số phận của những kẻ không chơi trò chơi của xã hội. Khi tấm màn siêu thực buông xuống, một thực tại khác dễ dàng hiện ra : Tae-suk phải trả giá cho tự do bằng cái chết và Sun-hwa cũng chẳng thể nào sống mãi ở thế giới bên trong.

Nỗi buồn của 3-Iron thấm sâu, còn mãi sau khi phim kết thúc. Đối với tôi, 3-Iron là di sản tuyệt hảo nhất của Kim ki duk. Đời người ngắn ngủi, như thế là quá đủ rồi. Rest in peace, Mr. Kim.

Leave a comment