Where should my children live ? [2]

.

“Chinese fascism has worked to this point, but between a collapse of domestic consumption due to demographic aging, a loss of export markets due to deglobalization, and an inability to protect the imports of energy and raw materials required to make it all work, China’s embracing of narcissistic nationalism risks spawning internal unrest that will consume the Communist Party”

-Peter Zeihan

.

Phần này sẽ nói về nước có ảnh hưởng lớn thứ hai sau Mỹ, đó là Trung Quốc. Hiện giờ TQ tuy chưa phải là một siêu cường toàn cầu, nó là siêu cường số một khu vực châu Á. Những gì xảy ra với TQ trong ngắn hạn và trung hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến các nước đông á mà con tôi có thể sẽ đến như Hàn Quốc, Nhật Bản, đến các nước đông nam á, mà tất nhiên quan trọng nhất là Việt nam – vẫn là nơi tốt nhất để một người Vn ở, nếu không có xung đột, và cả hai đích đến khác phổ biến của du học sinh việt nam, Úc và New Zealand.

Cho đến thời gian vài năm gần đây, cái nhìn chung về TQ khá ổn định. Nếu trước những năm 90, Nhật bản được coi là điều thần kỳ về kinh tế, thì sau đó TQ đã chiếm lấy vị trí này. Lợi dụng triệt để xu hướng toàn cầu hóa, TQ trở thành công xưởng của thế giới, ăn nguyên liệu thô, dựa vào xuất khẩu, và từ một nước nghèo đã phát triển vượt bậc, trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, có GDP cỡ 0.7 GDP của Mỹ và vượt xa các nước khác. GDP per capita gần gấp 3 lần của Vn. Bởi đà tăng đáng kinh ngạc như vậy, nhiều người cho rằng kinh tế TQ sẽ vượt Mỹ trong tương lai gần. Cùng với kinh tế, sức mạnh quân sự của TQ cũng tăng trưởng chóng mặt, hiện mới tăng số hàng không mẫu hạm lên 3 chiếc (Mỹ có 11), và có khoảng 350 vũ khí hạt nhân (Mỹ có cỡ 5500). Đối đầu Mỹ – Trung là không thể tránh khỏi và với sự quay lại chủ nghĩa biệt lập của Mỹ dưới thời Trump, viễn cảnh TQ khuất phục các nước nhỏ ở khu vực lân cận trong khoảng 10 năm tới được coi là chuyện tất nhiên. Chiến lược kiềm chế TQ bằng chuỗi đảo thứ nhất sẽ chỉ giữ được nó trong thời gian ngắn. Sau đó TQ sẽ bao trùm ảnh hưởng của nó lên khu vực châu á, và các nước khác sẽ phải học cách thích nghi với điều đó.

Quan điểm này dường như đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.

Có lẽ các nhà phân tích kinh tế vĩ mô vẫn mắc một sai lầm muôn thưở: chỉ vì một bull trend đã kéo dài một cách ổn định, người ta nghĩ nó sẽ kéo dài mãi mãi. Điều này đã từng xảy ra với việc phân tích kinh tế Nhật bản. Nhật đạt đến đỉnh cao của tăng trưởng vào đầu những năm 90, tiền trở nên quá rẻ, tín dụng được phát như tờ rơi và bất động sản liên tục tăng phi mã. Đã có thời điểm tổng lượng bất động sản của Tokyo lớn hơn toàn bộ bất động sản của Mỹ. Chuyện vô lý đó có thể xảy ra được chính vì sai lầm trên. Và bây giờ sai lầm đang được lặp lại khi đánh giá nền kinh tế TQ.

Hiện có khá nhiều người phân tích và dự đoán sự sụp đổ của kinh tế – và cả thể chế – TQ. Nhưng phần lớn tôi thấy khá chủ quan và nông cạn. Trong đó người nói to nhất, và nổi tiếng nhất, có lẽ là Peter Zeihan. (Ông này và một số tác giả nổi tiếng khác như Bjorn Lomborg, Noah Harari đã làm tôi hiểu được mặt bằng của cái gọi là những cuốn sách khoa học lớn thời nay, sau một thời gian dài tôi không đọc sách khoa học.) Cũng như các ông kia, Peter Zeihan pha một nửa kiến thức với một nửa những bull shit, cảm nhận cá nhân, những câu chữ thuận tai, giật tít câu view. Thế nhưng dù đạo đức người viết của ông có vấn đề, phần kiến thức của ông khá sâu sắc, và ông cũng đã dự đoán được cuộc chiến Ukraine.

Về cơ bản Zeihan nói rằng thế giới phẳng, toàn cầu hóa đã xuất hiện từ sau thế chiến thứ hai cho đến nay là một sự bất thường (anomaly) của lịch sử, chứ không phải là một trạng thái tiến bộ ổn định như nhiều người nhầm tưởng. Nó được xây dựng trên một cái gọi là Order- hay trật tự thế giới đơn cực – do Mỹ tình cờ tạo ra. Và một cách tình cờ, có một số nước hưởng lợi từ trật tự này, từ ít đến nhiều, và hiện này TQ hưởng lợi nhiều nhất. Trong thế giới siêu liên kết này, mỗi sản phẩm hàng hóa đều thuộc vô số chuỗi cung ứng khác nhau, lan tỏa như mạng nhện chằng chịt khắp bản đồ thế giới, và tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng này đã thể hiện rõ qua dịch covid năm 2020-21 và cuộc chiến Nga-Ukraina 2022. Chính vì TQ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Order, nó sẽ là nước bị hại nhiều nhất khi Order bị phá hỏng.

Và nó đã bị phá hỏng.

Có 2 thứ hàng hóa cơ bản sẽ làm kinh tế TQ sụp đổ. Thứ nhất là nhiên liệu. Vì là công xưởng của thế giới, TQ tiêu thụ một lượng dầu khí và khí hóa lỏng khổng lồ. Phần lớn số nhiên liệu này đi từ vùng trung đông, qua biển nam của Ấn độ, qua eo biển Malacca, qua biển Đông rồi đến TQ. Zeihan cho rằng con đường này quá mong manh, có thể bị chặn bất cứ lúc nào, trong khi hải quân TQ, tuy đã mạnh lên rất nhiều, vẫn chỉ có thể tác chiến hiệu quả ở các vùng biển lân cận TQ, không thể đi xa ra đại dương.

Thứ hai là lương thực. Dù rất rộng lớn, dân số TQ quá đông và nước này phải nhập khẩu lương thực từ nhiều tuyến, phần lớn trên biển. Chuỗi cung ứng lương thực còn mong manh hơn cả nhiên liệu, cứ nhìn hệ quả của cuộc chiến ở đông âu hiện nay sẽ rõ, khi một số quốc gia châu phi có nhiều khả năng rơi vào nạn đói lớn, và sau đó sẽ là loạn lạc. Trong bất cứ kịch bản xung đột nào, TQ sẽ là một trong những nước chết đói đầu tiên.

Ta tạm ngừng nhìn xa vào tương lai và quay lại hiện tại. Tăng trưởng GDP quý 2 năm 2022 của TQ là 0.4%, quá thấp so với mục tiêu 5.5% cả năm của chính phủ, vốn đã khá thấp so với tăng trưởng trung bình từ 8-10% trong 30 năm qua. Thị trường bán lẻ tăng trưởng âm. Giá bất động sản giảm kể từ mùa hè năm ngoái. Dòng vốn hiện chảy ra khỏi TQ (gần 200 tỷ $ trong 2022) bởi đồng dollar mạnh lên và các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại với bất ổn chính trị tiềm tàng sau những gì xảy ra với Nga. Doanh số bán hàng online cũng có tăng trưởng âm, và các tập đoàn lớn như Alibaba và Tencent sa thải hàng loạt nhân viên để chống đỡ. Vào tháng 8/22, ngân hàng nhà nước TQ cắt giảm lãi suất để ngăn chặn suy thoái, nhưng cùng lúc đó lại tuyên bố tăng chi tiêu công. Điều đó có nghĩa chính phủ TQ đã ngầm thừa nhận nền kinh tế có thể, hoặc đã bắt đầu rơi vào suy thoái.

Vậy lý do là gì ? Có thể kể ra 5 điểm :

1.Kế hoạch lập bởi trung ương (central planning) : TQ có một kiểu kinh tế thị trường riêng biệt nửa toàn trị. Báo cáo kinh tế hàng năm không chỉ là báo cáo kinh tế, nó còn là “mặt mũi” của chính phủ. Nó không được thấp. Chính vì thế mà xảy ra hiện tượng “tăng trưởng theo quy trình”. Đó là các địa phương được trung ương trao cho các quota và không biết làm thế nào, bèn xây dựng vô tội vạ, phát tín dụng bừa bãi cho bất kỳ cá nhân hay công ty nào có nhu cầu ko cần kiểm định, người dân được khuyến khích sở hữu nhiều bất động sản. Chiến lược này nghe có vẻ ngu ngốc, thực tế nó lại phù hợp với TQ giai đoạn trước : nghèo, ít vốn, dân thiếu nhà ở, không có cơ sở hạ tầng. Vấn đề là giờ tất cả những thứ cần xây đã xây đủ, chiến lược này quay lại trở thành ngu ngốc. TQ trở thành nước có nhiều thành phố ma nhất thế giới. Nợ phi tài chính của TQ tăng chóng mặt từ 100% gdp vào năm 2000 lên 250% gdp vào năm 2022.

2.Tiềm năng khủng hoảng tài chính : nợ xấu TQ tăng vọt trong những năm gần đây. Hệ thống ngân hàng TQ đang phải chịu áp lực lớn từ nhiều phía, trong đó nguy hiểm nhất là khả năng vỡ bong bóng bds. Vào tháng 4/22, bốn ngân hàng địa phương tỉnh Hà nam đã phải đóng băng 6 tỷ $ tiền gửi, dân biểu tình thì bị đàn áp. Chính phủ giải thích lý do là các ngân hàng trên phạm luật cho vay liên ngân hàng, dân chúng không tin và cho rằng chuyện này có liên quan đến bds. Như đã nói ở trên, ngân hàng địa phương có quota tín dụng phải đạt, và các công ty nhà nước cũng có quota đầu tư. Tính chất nửa toàn trị này dẫn đến việc nhiều hoạt động đầu tư sinh ra với hiệu quả thấp, gần như không có lãi. Bloomberg ước tính ngành ngân hàng TQ có thể lỗ 350 tỷ $ nếu vỡ bong bóng bds. Chặn khủng hoảng tài chính đang là mục tiêu kinh tế số 1 của TQ, dẫn đến những việc như cắt giảm lãi suất. Nhưng có ý kiến cho rằng dù mạnh, chính phủ TQ cũng khó có thể bẻ hướng ngành ngân hàng với tổng tín dụng hiện lên đến 30 nghìn tỷ $.

3.Vỡ bong bóng bds : ngành bds đóng góp vào khoảng 30% gdp của TQ. Đầu tư vào bds ở TQ đã lần đầu tiên tăng trưởng âm sau nhiều năm. Giá bds giảm liên tục trong vài năm gần đây. Số bds tồn kho vào năm 2021 là khoảng 30 triệu, trong khi số bán được nhưng không có người ở là 100 triệu. Bong bóng bds vỡ chắc chắn sẽ đẩy TQ rơi vào suy thoái. Người dân TQ (và VN) có thói quen để tài sản cá nhân chủ yếu ở bds, nhưng tỉ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình đã đạt đến mức 130%.

4.Địa chính trị : quan ngại về TQ đã tăng đột biến sau chiến tranh Nga – Ukraina. Các công ty đa quốc gia không muốn cầm dao đằng lưỡi khi mà TQ liên tục hằm hè Đài Loan. Giá xăng dầu tăng làm yếu sức xuất khẩu vốn đã xuống dốc của TQ.

5.Một yếu tố quan trọng khác là tháp dân số của TQ. Trái với hình dung trước đây của tôi, TQ đang có tháp dân số già hàng top thế giới với lực lượng lao động ngày càng teo tóp khiến cho mô hình kinh tế sản xuất chế tạo – xuất khẩu trở nên không còn thích hợp. Điều này một phần là do chính sách một con trước đây. Một phần là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa. Dân số già có nghĩa là chi tiêu công tăng, ít lao động trẻ làm giảm tính đột phá sáng tạo, và nợ đầu người cao hơn. Nghiêm trọng hơn, tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm dân số trẻ đã tăng lên mức báo động 20%.

Tổng hợp lại, khả năng kinh tế TQ chững lại hoàn toàn hoặc đi xuống là cao trong ngắn và trung hạn, giống như Nhật những năm 90.

Nhưng TQ khác Nhật ở tình hình chính trị. Lịch sử luôn có sức nặng của nó, và cái đã diễn ra, nhất là cái đã diễn ra nhiều lần, luôn có xác suất cao để diễn ra một lần nữa. Trong quá khứ, TQ đã có nhiều lần vỡ ra thành vô số nước nhỏ, có những lần đến gần 20 nước. Những triều đại lớn được xen kẽ bởi những giai đoạn chiến loạn kéo dài. Bất ổn chính trị là một thuộc tính của TQ. Có 3 cách để ngăn chặn khuynh hướng này.

Thứ nhất, là đàn áp. Có thể nói chính quyền TQ hiện nay là một trong những chính quyền toàn trị, đàn áp sử dụng công nghệ cao với quyết tâm sắt đá và tàn bạo bậc nhất, thế nhưng trong quá khứ, các chính quyền TQ luôn như vậy, và điều đó không ngăn cản vô số các cuộc khởi nghĩa, ly khai, dù thành công hay thất bại.

Thứ hai, chính là kinh tế. Khi người dân no đủ, chả có lý do gì để họ nổi dậy, và chính quyền TQ đã làm tốt điều này trong 30 năm qua, đến mức người ngoài nhìn vào có thể nghĩ TQ không hề có những bất mãn về thể chế, văn hóa hay sắc tộc. Vấn đề ở chỗ, bull trend này đã quá dài, không thể tiếp tục nổi nữa. Thêm vào đó, Tập Cận Bình dường như cũng không tin vào cách này, hoặc nghĩ rằng không thể làm được. Dù có tham vọng sánh ngang với Mao và Đặng Tiểu Bình, Tập hướng đến việc thống nhất Đài Loan để ghi tên mình vào lịch sử. Chiến dịch zero covid, hàng loạt vụ đàn áp các tập đoàn lớn cho thấy ông không quan tâm nhiều đến kinh tế nữa.

Thứ ba, là kích động chủ nghĩa dân tộc. Đây luôn là con bài chủ đạo của các nước độc tài để đối phó với mọi vấn đề trong nước. Tốt nhất là có một mục tiêu ngoài nước, và trong trường hợp này là Đài Loan. Tập cần Đài Loan, Đảng cộng sản TQ cần Đài Loan, và cả TQ cần Đài Loan cho sự tồn tại của mình. Chính vì vậy mà tôi cho rằng TQ sẽ tấn công Đài Loan, ngay cả khi biết chắc rằng Mỹ sẽ tham gia, kinh tế trong nước sẽ rơi vào thảm họa, và rất có thể không thắng. Kịch bản TQ thành một siêu cường kiểu như Mỹ ở vùng bờ tây thái bình dương như trước đây người ta vẫn nghĩ, sẽ không xảy ra.

Sau đó thì sao ? TQ khác Nga ở chỗ Nga có đủ hai thứ thiết yếu là nhiên liệu và lương thực. TQ lại thiếu hai thứ này, và cách dễ nhất để chặn việc nhập khẩu nó là ở biển nam Ấn độ hoặc eo biển Malacca. Hoặc biển đông. Bởi vì TQ sẽ chết rất nhanh nếu điều này xảy ra, xung đột và đe dọa sẽ đi đến các vùng này. Tức là nếu TQ đánh Đài Loan, dù chuyện gì xảy ra thì TQ cũng phải mở rộng chiến tranh xuống phía nam. Khả năng VN bị cuốn vào xung đột không phải là 100%, nhưng chắc chắn cũng không phải là 0%. Tùy theo kịch bản, VN có thể sẽ phải đối đầu với TQ, hoặc sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của TQ như một chư hầu, với nhiều nhượng bộ về chủ quyền, văn hóa và quân sự. Trong một thời gian. Tôi nghĩ khả năng thắng của TQ là khá thấp.

Vì thế, đối với tôi, Sài gòn vẫn là một nơi đáng sống cho các con tôi, nhưng phải chuẩn bị trước để có thể rời đi ngay khi có những dấu hiệu xấu.

——

Update 19/11/22 : đại hội ĐCS TQ đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Tập, chính thức kết thúc giai đoạn đa nhân trị từ thời Đặng Tiểu Bình và quay lại với độc nhân trị khi toàn bộ ban chấp hành trung ương đảng TQ đều là thân cận của Tập. Việc cựu vương Hồ Cẩm Đào bị dẫn ra khỏi phòng họp là một hình ảnh mang tính biểu tượng. Tuy vậy chiến thắng của Tập cũng không tuyệt đối khi phe các nguyên lão đã cản được Tập sửa đổi điều lệ đảng hoàn toàn theo ý mình.

Giới doanh nghiệp TQ đón nhận điều này như một tin rất xấu và họ đã không phải chờ lâu : TQ đã bắt 3 tập đoàn lớn là Tencent, Alibaba và JD.com “liên doanh” với 3 công ty nhà nước với quyền quyết định hoàn toàn ở phía nhà nước. Thực chất đây là một hành động quốc hữu hóa lĩnh vực tư nhân, một động thái đặc trưng của các nền kinh tế thời chiến.

Leave a comment