manga

Berserk

.

Is it true, that man has no control, even over his own will ?

.

Dù biết Berserk là một manga nổi tiếng từ lâu, vì một số lý do mà tôi chưa đọc nó. Một hai lần đọc được vài chapter lại bỏ ngang. Bề ngoài nó là kiểu manga medieval fantasy, hơi dark và gothic. Vì hiện giờ tôi chỉ thường xem phim thập kỷ 9x, tôi tình cờ xem anime Berserk (1997). Nó không chuyển thể toàn bộ, mà chỉ một arc : Golden age, hình như là arc 3 trong manga.

Tôi đã không phí thời gian khi xem 9h anime này. Kết hợp lại, nó như một bộ phim dài, đơn giản trong từng bộ phận nhưng hòa hợp tuyệt vời khi đứng cạnh nhau. Cái kết của nó, Nhật thực (The Eclipse), là một trong những tập anime ấn tượng nhất tôi từng xem, nó sẽ khiến cả những kẻ chai sạn nhất phải giật mình vì một cái ác khủng khiếp, thuần khiết, tự nhiên như bản thân hơi thở của con người.

Ba nhân vật chính của Berserk là Gus, Casca và Griffith. Lúc ban đầu cả ba đều là những nhân vật đơn giản. Sau đó tính cách của họ có những bước phát triển hợp lý trong một mối quan hệ tay ba phức tạp. Chính vì vậy mà đến cuối phim, tôi bắt đầu thích nhân vật Casca, và hoàn toàn quên mất cô được vẽ tương đối xấu : da đen, tóc ngắn mà lại có một đôi môi hồng hồng trông khá ớn. Đấy là lúc tài năng của tác giả đã kết tinh đủ. Như V đã nói : “I am not my clothes, or the flesh beneath them, or the bones inside it”. Người đọc chỉ còn nhìn thấy cuộc đời của Casca từ khi là một cô bé nhà nghèo, bị bắt làm nô lệ đến lúc được Griffith cứu, sau đó lấy giấc mơ của ân nhân làm giấc mơ của mình. Giả sử không vẽ Casca da đen, tóc ngắn và môi hồng ớn mà vẽ thành da vàng, đầu trọc, cơ bắp cuồn cuộn, tôi nghĩ sẽ không có gì thay đổi.

Tôi nghĩ tất cả lũ biên kịch và đạo diễn ở Hollywood hiện nay không có khả năng tạo ra một nhân vật như Casca. Mặc dù việc đó không có gì là khó, Casca không phải là một cá tính phức tạp. Thậm chí là phần còn lại của thế giới cũng vậy. Để viết được một nhân vật đơn giản và có sức rung động lòng người, chỉ cần nhìn chăm chú vào nhân tính, và yêu lấy cái thiện trong nhân tính đó. Dường như thế giới không còn khả năng này.

Casca đơn giản, thuần khiết làm nền cho Griffith phức tạp với những điều không nói, những chuyển biến tâm lý khổng lồ được thể hiện chỉ qua một cái nhìn vô cùng ám ảnh. Đây là một nhân vật có sức giải thích sâu rộng về cái ác của con người. Tại sao Hitler, một thanh niên trẻ có đam mê hội họa lại có thể trở thành một kẻ giết đến cả triệu người ? Hãy xem Griffith. Nếu Sephiroth là phản diện hay nhất trong game thì có lẽ Griffith là một trong những nhân vật phản diện xuất sắc nhất trong manga. Nếu ai không hiểu narcissist’s injury là gì, google mà vẫn chưa rõ, hãy xem những tập cuối của Golden age. Hòa quyện trong bản chất ít nói, dịu dàng, cái narcissist’s rage của Griffith bùng nổ trong tập cuối Nhật thực tạo nên một trong những trường đoạn tàn bạo, khủng khiếp nhất trong lịch sử anime.

Xem xong Golden age, tôi nghĩ một chút về điện ảnh vn. Hết rác phẩm này đến rác phẩm khác, ngày càng ngạo mạn, vô sỉ. Nhưng tại sao bạn lại quan tâm ? Có gì đáng ngạc nhiên ? Điện ảnh phương tây cũng như vậy, nó còn là đầu nguồn của tất cả những thứ này. Và thật ra tôi cũng không còn quan tâm đến điện ảnh phương tây. Nó chỉ là một vấn đề nhỏ, nhỏ xíu so với những thứ sẽ xảy ra trong những thập kỷ tới.

Có những người chế nhạo những doom-sayer, nói họ là những kẻ thích dự đoán những tai họa vì điều đó làm họ cảm thấy mình sinh ra ở một thời kỳ đặc biệt. Điều đó có lẽ đúng. Nhưng trong trường hợp của thế giới hiện nay, không thể nói như vậy. Có quá nhiều vấn đề, và vấn đề nào cũng có vô số bằng chứng, không có gì cảm tính. Một ví dụ: số người bị giết trong thế chiến thứ hai là cỡ 60 triệu, ai cũng biết phát xít đức và phát xít nhật độc ác như thế nào. Nhưng nếu bạn lên youtube và search thử đời sống của người dân nước Đức và Nhật trước chiến tranh, và ngay cả trong chiến tranh, bạn sẽ thấy họ cũng là những người như chúng ta, hàng ngày đi làm, kiếm tiền để tối về cho con ăn, chơi với con, mong muốn một tương lai tốt hơn cho con cái của mình. Họ không phải là quái vật. Về mặt hiện trạng xã hội mà nói, cấu trúc xã hội thời đó còn vững chắc hơn hiện nay : cấu trúc gia đình và các giá trị đi kèm vẫn còn nguyên vẹn, một số lớn dân Châu âu vẫn còn có đức tin, xã hội có phân cực, nhưng chủ yếu chỉ ở mặt giàu-nghèo. Hãy thử so sánh với phương tây (Mỹ) hiện nay : 60% trẻ có bố mẹ ly dị, tỷ lệ mắc bệnh tâm lý như trầm cảm và rối loạn lo âu ở con gái từ 18-24 tuổi là hơn 20%, số lượng nam thanh niên còn trinh đến 30 tuổi tăng đột biến, tiệm cận Nhật bản, hơn 10% dân số sử dụng các loại thuốc an thần, giảm đau có yếu tố gây nghiện, trẻ lên 10 đã có thể dùng ritalin, năm ngoái chỉ riêng số người chết ở Mỹ vì fentanyl (một loại ma túy tổng hợp rẻ và mạnh hơn meth) đã là hơn 100 nghìn người, bằng số thương vong của Ukraine. Nói về chuyện con trai còn trinh, bạn có thể thử tìm hiểu về hypergamy, một yếu tố bị đẩy đến cực hạn bởi social media, để thấy những người trẻ giờ yêu đương khó đến mức nào. Ví dụ một cô gái 4 điểm sẽ chỉ “khớp lệnh” nếu được với một chàng trai trên 8 điểm. Bởi bản thân nó đã là một sự vô lý, thị trường hẹn hò sụp đổ là chuyện đương nhiên. Một con đực (bởi qua các dating app, tâm hồn bị loại bỏ) 9.5 điểm sẽ có vô số con cái, còn những con đực dưới 9 hầu như không khớp được, bởi sự từ chối ở cả hai phía. Đây là sự phân cực về số bạn tình, đồng thời là sự suy giảm cực mạnh số lệnh khớp, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chiến tranh. Rất nhiều nam thanh niên ở phương tây đã coi việc tìm bạn đời và xây dựng gia đình (tiền mua nhà lại là một câu chuyện khác) là một chuyện bất khả. Họ cảm thấy bị bỏ rơi, là người thừa trong xã hội, nhất là khi nam tính được nhồi sọ là một original sin. Nói như một câu ngạn ngữ châu phi : “The child who is not embraced by the village will burn it down to feel its warmth”. Nữ thanh niên cũng không khá hơn, hãy nhìn những cuộc biểu tình ủng hộ palestine, phần lớn bọn họ là những cô gái trẻ, kích động, thiếu giáo dục dù bề ngoài không phải vậy. Nếu bạn còn nghĩ thanh niên phương tây thông minh cởi mở, hãy xem các cuộc tranh luận của sinh viên các trường đại học lớn như Oxford. Tôi sẽ không cho con mình học ở các trường đó nếu họ trả tôi 1 triệu $ một đứa. Thật mỉa mai là chỗ an toàn nhất mà tôi cảm thấy lại là ở vn, không phải vì vn có nên giáo dục hay ho gì, mà bởi đây là vùng sâu vùng xa, và cỗ máy tuyên truyền của phương tây khi đến đây đã yếu đi một chút.

Quay trở lại với Berserk, liệu những năm 90 của thế kỷ trước có phải là Golden age của chúng ta ? Càng ngày tôi càng cảm nhận được nó, chậm rãi và chắc chắn.

You are what you do

 

Gần đây tôi có đọc được một bài báo về cuộc nói chuyện giữa Inoue Takehiko và Eiichiro Oda, hai mangaka nổi tiếng ở Nhật. Sở dĩ tôi link đến nó, vì đó là hai tác giả của Vagabond và One Piece, hai manga tôi yêu thích. Có lẽ ở vn khó hình dung được tầm vóc của hai cái truyện tranh này, vậy có thể đưa ra một dữ kiện : trong khoảng hơn mười năm, One piece đã xuất bản 60 volumes. Và nếu tôi nhớ không nhầm, thì chỉ riêng một volume, ví dụ vol. 55, đã là cuốn sách bán chạy nhất trong tháng ở Mỹ, theo New York Times. Mặc dù thế Oda vẫn còn là đàn em của Takehiko, anh này gần như đã là một huyền thoại với bộ truyện tranh đề tài bóng rổ Slam Dunk, và gần đây là câu chuyện về thánh kiếm Musashi, Vagabond.

Entry này sẽ không nói về cái hay của các tác phẩm kể trên, vì sẽ quá dài. Tôi chỉ muốn nói là càng biết nhiều về hai người này, tôi càng thấy khâm phục. Trước hết là Inoue. Sau thành công của Slam Dunk, danh tiếng của Inoue có lẽ đã đủ để kiếm rất nhiều tiền. Đối với nhiều tài năng nghệ thuật khác, đây là cái bẫy ngọt ngào mà sập nát chân. Chả cần nhìn đâu xa, như Murakami chẳng hạn. Hay Mạc Ngôn. Thậm chí cả Marquez khi về già. Không cần phải dấn bước tiến lên, quay cuồng múa may một chỗ là đã kiếm bộn tiền, vậy tội gì chứ ? Nhưng vẫn có những người không nghĩ thế, Inoue hẳn là một trong số đó. Anh chọn một đề tài chưa làm bao giờ : kiếm đạo. Và câu chuyện, theo tôi nghĩ, là rất khó để chuyển thể : cuộc đời của võ sĩ huyền thoại Miyamoto Musashi, đậm đặc triết lý và khô khan. Vậy mà Inoue đã biến nó thành một thứ thật đặc biệt. Anh sáng tạo ra cuộc đời mới cho Musashi đã đành, anh lại nặn ra cả một Sasaki Kojiro đầy ma lực, một đứa trẻ mồ côi vừa câm vừa điếc, khác hẳn nguyên tác. Và dường như những công việc vỡ đầu đó còn chưa đủ, chắc là để vắt kiệt bản thân, tự nhiên Inoue quyết định không vẽ bằng bút chì như bình thường nữa, mà chuyển qua bút lông ! Mỗi khung hình trở thành một bức tranh màu nước và có lẽ khối lượng công việc tăng lên khoảng mười lần. Bản thân Inoue cũng nói “…đây là một việc không nên, về lâu về dài, nó thực sự là một sự đày ải…” Nhưng sau đó lại tiếp “nhưng để đạt tới thứ nghệ thuật mà tôi muốn, không còn cách nào khác”. Một hành động rất Nhật bản, đất nước của sự dấn thân đến tận cùng, dù trong bất cứ lĩnh vực nào. Và tất nhiên là khi anh yêu công việc của mình đến thế, người khác sẽ cảm nhận được nó.

Dân Nhật kiên nhẫn xếp hàng (cả trong mưa) để vào xem triển lãm Vagabond của Inoue. Số lượng người ở trong triển lãm cùng một lúc được Inoue yêu cầu giữ ở mức tối thiểu để đảm bảo cho việc thưởng thức.

Oda nói rằng nghệ thuật vẽ tranh mực tàu thời Edo đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc, có lẽ vì thời đó cuộc sống không có nhiều sự giải trí khiến con người phân tán như bây giờ. Họ cống hiến gần như toàn bộ thời gian của mình cho công việc, tập trung vào nó. Đẳng cấp của những nghệ nhân thời ấy, nghệ sĩ ngày nay khó so bì. Inoue là một trường hợp hiếm hoi thể hiện điều ngược lại.

Oda. Tay vẽ của anh không quá đặc biệt. Sức tưởng tượng của anh … tôi không biết dùng từ gì để nói. Hồi xưa khi đọc Hunter x Hunter của Yoshihiro Togashi, tôi đã kinh ngạc trước sức tưởng tượng của ông, ông tạo ra cả một thế giới đẹp tuyệt với hàng nghìn điều mới lạ kỳ thú và tự do thì tràn ngập trong không khí. Đó cũng chính là thứ cuốn hút nhất trong truyện kiếm hiệp của Kim dung. Tôi đã từng nghĩ như thế là cực điểm rồi. Cho đến khi tôi đọc One piece. Oda, khi bắt đầu bộ này, chỉ là một mangaka trẻ tuổi, thế mà anh đã tạo ra một thế giới còn rộng lớn hơn cả thế giới của hunter, rộng đến không thể tin nổi đối với đầu óc của một người, trong thế giới ấy các cuộc phiêu lưu nhiều như đại dương tơ truyện của Salman Rushdie. Anh nắm lấy một vạn lẻ một câu chuyện của trái đất chúng ta, trộn chúng vào nhau rồi đan thành một hành tinh khác. Ở đó vẫn có cái ác, bất công nhưng số lượng những người không khuất phục nhiều vô kể. Santiago và thằng bé của Hemingway mà đến được đây chắc sẽ vui lắm. Những nhân vật chính của Oda là những người trẻ tuổi, yêu đời và tự do. Trong họ tràn đầy niềm vui sống. Hay đúng hơn, họ chính là niềm vui sống được nhân cách hóa. Cũng có lúc họ phải đối đầu với sự nghiệt ngã của số phận, họ thất bại nhưng không bao giờ đầu hàng. Những giọt nước mắt của họ cũng đẹp như của thằng bé, hay của Roy, những giây phút người đọc sẽ không thể quên.

Thật ra, tưởng tượng những cái mới không quá khó. Cái chính là làm sao để tránh khỏi tình trạng thiếu lực, đầu voi đuôi chuột. Oda là một kỳ tài về khoản này. Càng đọc One piece, người ta càng thấy kinh ngạc vì tính hệ thống của nó. Câu chuyện đã kéo dài hơn mười năm, thế mà những thứ được khơi mào ở Chapter 1 vẫn hoàn toàn ăn khớp với chapter 500. Oda nói từ đầu anh đã có một cái khung và cái khung đó chưa bao giờ thay đổi. Trong One piece, người đọc không bao giờ có cảm giác tác giả viết đến đâu thì nghĩ đến đấy. Người ta có một cảm giác khác, đấy là sự khâm phục và có phần hơi tức khí vì cái nàng Scheherazade quyến rũ keo kiệt này mỗi đêm chỉ nhả ra một tí, bao giờ mới được nghe hết đây ? Mà mình cũng đã lỡ có ba con với nàng rồi…

Tôi tự hỏi cái gì đã làm cho Eiichiro Oda có được sức sáng tạo như thế. Tài năng, tất nhiên rồi. Nhưng không chỉ tài năng. Trong bài báo kể trên, tôi đã biết được : Oda nói kể từ ngay những ngày đầu tiên viết One Piece, anh đã làm việc với một niềm vui. Trong mười năm nay, niềm vui ấy không hề suy suyển, không hề giảm sút. Tôi tin anh một trăm phần trăm. Chỉ cần đọc One Piece là cảm thấy ngay. Chỉ cần đọc One Piece, tôi biết được trong suốt mười năm qua, anh đã sống một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa đến thế nào, bởi không giống Hunter, chưa một lần nào One piece mất đi cái nhịp điệu tươi vui hài hòa đặc trưng của nó. Tôi cảm thấy ghen tị với anh kinh khủng. Anh chắc chỉ hơn tôi vài tuổi thôi.

Người ta vẫn nói, hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là ai. Hay hãy nói anh đọc sách gì, tôi sẽ nói anh là ai. Kiểu định nghĩa này hơi nông cạn. Có những người không có bạn, không thể nói họ không là gì cả. Có những người đọc sách mà đâu có hiểu gì. Nhưng có lẽ, nghệ sĩ thực sự có thể định nghĩa bởi công việc họ làm. Hay ngược lại, nói như Federico Fellini : “All art is autobiographycal.”

Paint with salty water

Some Vagabond pics and Come september.

So, you see, there’s no chance…

No hope for Cinderella
Come September
Her violet sky
Will need to cry
‘Cause if it doesn’t rain
Then everything will die
She needs to heal
She needs to feel
Something more than tender
Come September

Everything wrong
Gonna be all right
Come September

The souls that burn
Will twist and turn and
Find you in the dark
No matter where you run
But lost her spark
And what she’s pushing for
She can’t remember

Everything wrong
Gonna be all right
Come September

Her eyes surrender
Her cry a crying shame
Coming undone
Is she ever gonna
Feel the same
She will run
She’s gona drink the sun
Shining just for you
Instead of everyone
And so it goes
She’ll stand alone
And try not to remember
Come September

Everything wrong
Gonna be all right
Come September

Khát vọng Tự do

(…trong một lần nữa cố gắng viết về Yu yu hakusho, manga tuyệt vời nhất theo đánh giá của tôi.)

Ma giới. Rộng lớn vô tận, đen đặc bóng tối trải trên các bình nguyên. Thế giới đen tối, chân thực và sự thực thì đẹp. Nhẫn đang cảm thấy gì ? Tự do là làn gió lộng, nhẹ nhàng tươi mát nhưng tự do đắt vô cùng. Trước tiên là phải mạnh, rất mạnh. Rồi sau đó sẵn sàng trả một giá rất đắt để có được nó. Sẵn sàng mất tất cả.

Tự nhiên nghĩ đến một bài viết của ông Vũ đức Sao biển về Kiều phong, cũng với cái tên Khát vọng của tự do. Ông viết cứ như học sinh cấp 3 nhưng thôi dù sao ông còn là người có đam mê. Bản thân Kiều phong có tự do không ? Thật tâm mà nói tôi ít thấy tự do ở con người Kiều Phong. Là một hảo hán, đúng. Hào sảng, khoáng đạt, đúng. Tự do thì không. Kiều phong luôn muốn mình chỉ thuộc về một cái gì đó : bang hội, tổ chức, đất nước, phong trào, – thuộc về một tập thể – , nhưng anh lại thuộc về quá nhiều tập thể xung đột lẫn nhau và đó là mâu thuẫn không thể giải quyết của cuộc đời anh. Võ công của KP mạnh nhưng nhận thức của anh thường, KP không có tự do và không phải là tuýp người có cái khát khao cháy bỏng ấy. Cả đời anh bị ràng buộc bởi những luân lý và món nợ, dù là nợ tình hay nợ nghĩa, nợ thù, anh không dứt được cái nào hết. Cuộc đời anh, đáng tiếc, là một sự bế tắc từ đầu đến cuối.

Ít ra Kiều phong có một dấu hiệu của những người tự do xăm trên ngực : con sói. Sói thảo nguyên thì đơn độc và những người tự do cũng thế, ở họ có cái gì bất cần, khát cháy. “Tôi biết rằng ở ngoài kia, bên ngoài cái thế giới mà tôi vẫn sống, có một thế giới khác rộng lớn hơn mà sự thật về nó luôn bị che chắn khỏi loài người, tôi muốn được nhìn thấy nó.” Nhẫn là điển hình của dạng người có trái tim trong trắng, nhạy cảm, tràn đầy lý tưởng ngây thơ rồi bị tổn thương. Xuất thân là sứ giả của linh giới, chuyên tiêu diệt yêu ma, cuối cùng vỡ mộng một cách cay đắng khi hiểu ra con người thật sự mới là loài ác độc nhất. Không lạ gì khi Nhẫn trở nên vô cùng đơn độc trong xã hội loài người. Đau đớn đến nỗi 6 nhân cách khác được sinh ra để cùng giúp Nhẫn chịu đựng cái không thể chịu đựng. Rồi khát vọng đến ma giới nảy sinh là hoàn toàn hợp lý, nó chính là khát vọng tự do, từ bỏ cái thế giới chật hẹp và đê tiện này, đến với một nơi khác, có thể không tốt đẹp gì hơn, chỉ là ở đó không có sự giả dối. Tôi tự hỏi nếu không bị bệnh nan y, Nhẫn sẽ làm gì khi đã đạt được mục đích của mình. Có thật Nhẫn sẽ trở thành một kẻ phiêu bạt trong cái ma giới đó. Lãng tử là những kẻ ngây thơ, những đứa trẻ con còn phần nào đần độn. Tâm hồn đã vẩn đục của Nhẫn khó có khả năng hòa hợp với tính cách này. Tôi nghĩ rồi cuối cùng Nhẫn vẫn là một kẻ cô đơn trọn vẹn, một trái tim tan vỡ có sức hấp dẫn đối với người khác nhưng không người tri kỷ. Việc xuống ma giới của Nhẫn có gì đó giống với ước mơ của một cậu bé bị ung thư, đòi bố được một lần nhìn thấy biển. Có lẽ, đó là ước muốn được làm trong sạch cái chết của mình. Sau khi chết, Thụ, một kẻ si mê Nhẫn đã thực hiện di nguyện của anh : đem xác Nhẫn vào không gian thứ nguyên để linh hồn của Nhẫn không phải lên thiên đường hay vào địa ngục, không phải bị phán xét bởi bất cứ tòa án nào. Điều này có điểm chung với câu nói của colonel Kurtz trong Apocalypse Now : “You can kill me, but you can’t judge me”. “Bây giờ hãy để cho anh ấy được yên” – Thụ nói thế rồi ẩn mãi vào nơi tăm tối, cách biệt với thế giới loài người và yêu quái.

(…only a sleep eternal, in an eternal night…)

(So insignificant, sleeping dormant deep inside of me,)
(Are you hiding away, lost, under the sewers,)
(Maybe flying high, in the clouds ?)
(Perhaps you’re happy without me…)
(So many seeds have been sown in the field,)
(And who could sprout up so blessedly,)
(If I had died I would have never felt sad at all,)
(You will not hear me say ‘I’m sorry’)
(Where is the light, wonder if it’s weeping somewhere ?)

(Here’s a lullaby to close your eyes.)
(goodbye)
(Here’s a lullaby to close your eyes.)
(goodbye)

———–

Tự do thường gắn liền với hình ảnh thảo nguyên, đôi cánh bay lượn trên cao và những cơn gió. Những người lớn, trưởng thành thì đều hiểu tự do là một thứ ở trong tim. Đôi khi, nhục thể bị quá nhiều điều chi phối, khi đó nó không thể chứa đựng tự do, dù nó có đang ở trên một cánh đồng cỏ bạt ngàn. Khi ấy con người tìm đến cái chết – hành động thể hiện khát vọng tự do mãnh liệt nhất, thường gặp ở văn hóa Nhật bản. Hoặc có những ngoại lệ như Hemingway. Bởi chết là hành động cuối cùng, nên có lẽ hành động này chỉ đẹp khi thực hiện bởi những người mạnh nhất, những người đã trải qua nhiều điều và tìm kiếm tự do ở tất cả những nơi họ đã đi qua. Vì thế những người trẻ tuổi tự vẫn thật đáng tiếc, không giống như Hemingway hoặc Kawabata. Có một người chỉ mới trên dưới 10 tuổi đi tìm cái chết mà tôi vẫn thấy xúc động, đó là Phi cảnh, một kẻ chẳng bao giờ vỡ mộng, bởi sinh ra trong một thế giới tàn bạo, rồi lớn lên vẫn chỉ trong một thế giới tàn bạo ấy mà thôi. Cái trạng thái hư vô sắc ngọt mà trống trải đến ghê người tôi cảm thấy ở những quyết định của Phi cảnh là một thứ mà tôi nghĩ, có rất, rất ít người trải qua. Âu cũng là may mắn cho họ.

Phi cảnh, nhân vật được yêu thích nhất trong Yu yu hakusho, mà có lẽ, tôi nghĩ, bản thân những người yêu thích nhân vật này cũng không hiểu tại sao. Đây là một con người đau đớn trong thân hình một đứa trẻ, có gì giống với Oskar của Guenter Grass. Con người ấy sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ tàn ác, thời kỳ mà có lẽ trong lịch sử, là giai đoạn “ít nước mắt nhất”. Tôi còn nhớ trong Cái trống thiếc (Die Blechtrummel) có một chương tên là Hầm Hành. Nó là một quán bar nhạc jazz ở dưới tầng hầm. Bản thân cái hầm không có gì đặc biệt, nhạc jazz thường, dù vậy quán làm ăn phát đạt. Điều làm nên sức thu hút của quán là hành. Một đêm vài lần chủ quán sẽ bước ra và đưa cho mỗi người một cái thớt, một con dao và vài củ hành. Họ cùng nhau thái hành, hành cay thì nước mắt rơi. Con người mất khả năng khóc vì đã chứng kiến quá nhiều điều thảm khốc tìm lại được một phần nhân tính của mình trong lúc đó. Ma giới vô cùng vô tận nơi chém giết là hoạt động thường nhật phải chăng là bản in trắng đen của thế giới này ? Nhẫn lớn lên trong một thế giới màu hồng có tên là nhân giới. Phi cảnh thì lớn lên trong sự thật, kể từ giây phút Tam Anh, một cư dân của Băng Nữ vì bộ tộc của mình mà phải thả con trôi sông, Phi cảnh đã biết đến sự tàn ác. Từ đó sống cuộc đời của bạo lực và máu. Triền miên. Mục đích của đứa trẻ này chỉ là tồn tại và mạnh lên, đến lúc nào đó sẽ có thể quay lại giết những kẻ tạo nên số phận của mình. Mặc dù thế, Phi cảnh không chỉ tầm thường là mẫu người sinh ra để trả thù cuộc đời. Bên trong sự tàn bạo còn là sự mệt mỏi và con người còn có thể mệt mỏi bởi vì anh ta còn có nhân tính. Cái cốt lõi mang tên nhân tính ấy, phải chăng là thứ mà hoàn cảnh không thể tiêu diệt ? Mỗi khi Phi cảnh ngắm nhìn Băng lệ, viên ngọc kết lại từ nước mắt của mẹ, hắn lại thấy được quê hương, vẻ mặt hắn hiền lành trở lại, như một đứa trẻ. Dần dần, việc ngắm nhìn băng lệ trở thành một nhu cầu không thể thiếu của hắn. Viên ngọc đã trở thành linh hồn của hắn. Một tai nạn tình cờ làm Phi cảnh lạc mất viên ngọc. Kể từ đó, cuộc đời Phi cảnh là cuộc đi tìm lại Băng lệ, đi tìm lại linh hồn của mình. Song song với cuộc đi tìm ngọc là lần trở lại bộ tộc băng nữ. Khi về lại được nơi mình sinh ra, Phi cảnh không còn thấy mình muốn giết ai nữa, trước mắt anh ta chỉ là những thân thể già nua, mòn mỏi trong kiếp sống dài đằng đẵng. Qua họ anh ta biết được tin mình còn có một cô em gái. Lên nhân gian và tìm lại được em, Phi cảnh nhận ra viên ngọc của em, tuy cũng là một băng lệ, rõ ràng không phải là ngọc của mình. Phi cảnh không nói gì với em cả, đứng ngắm em từ xa. Cùng lúc đó, bên trong anh ta, chút hy vọng cuối cùng về Băng lệ đã tiêu tan. Không còn mục đích gì để sống, anh ta đã bước chân vào cái vùng chết đó.

Tôi còn nhớ, Oskar của tuổi 30, nằm trong bệnh viện tâm thần, cảm thấy điều này một cách rõ rệt. Khi một người vào vùng chết, hắn sẽ nhìn thiên nhiên như thế nào ? Có lẽ là đẹp một cách bàng quan. Trí nhớ của tôi có Oskar lùn xủn đi dạo trên một con đường làng, hắn trèo lên một bờ rào ngồi vắt vẻo, nhìn nắng nhuộm vàng lá những cây vải thấp, những cây cổ thụ rợp bóng. Cảnh vật thì không có ký ức, nó dễ dàng quên lãng những tấn kịch có lẽ vừa mới kết thúc trong nó, không lâu trước đây. Oskar có chết không ? Khi không thể sống được nữa, không còn biết sống để làm gì, thì vẫn phải sống. Oskar không chết, Oskar là đại diện của cả một dân tộc đau đớn lê từng bước chân với đôi giép tầm gai của quá khứ. Phi cảnh của tuổi mười mấy, chỉ là một cá nhân bại trận trước số phận, thách đấu với một kẻ mạnh hơn mình và tìm đến một cái chết nhanh chóng và ngọt sắc trong một trận đấu gươm. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt trẻ con mở to, nụ cười mỉa mai của Phi cảnh khi bị lưỡi đao tiện làm đôi. Cái tuyệt vọng bình thản và chắc chắn đó phải chăng chính là tiếng thét vô thanh khủng khiếp của khát vọng tự do, cự tuyệt cái thế giới này ?

Phi cảnh có chết không ? Không, khi tuyệt vọng nhất thì hy vọng lại đến, trong hình hài của một kẻ hiểu mình.

Yoshihiro Togashi là một cây bút tài năng, Yu yu hakusho của ông, với muôn vàn gam màu đen xám của dục vọng và bạo lực, chắc chắn là manga có tính văn học cao nhất mà tôi biết.