Những bông hoa màu đỏ của tôi

Trong những đêm mùa đông lạnh giá của tháng giêng này, tôi có một thú vui là “đi dạo” trên trang google map. Google thật kỳ diệu, nó là một tấm bản đồ ảnh chụp vệ tinh toàn bộ bề mặt trái đất, chi tiết đến từng con đường, ngọn cây, khu nhà, thêm vào đó là những tấm ảnh phong cảnh đính kèm, hệ thống street view khiến người xem có thể ngắm khung cảnh hai bên những con đường. Chỉ cần internet là tôi có thể đến lại những thành phố tôi đã từng sống, đi trên những con phố nhỏ mà tôi đã quên, nhớ lại những điều mà có lẽ không có google map thì đã lùi quá xa vào ký ức.

Vào năm 2003 và nửa đầu 2004, tôi ở trên một ngọn núi. Nó là ngọn núi cao nhất ở miền bắc nước đức, một khu nghỉ dưỡng với những rừng thông, những đồi cỏ mỡ màng và đặc biệt là những hồ lớn nhỏ đẹp như trong tranh vẽ. Chính xác là 64 cái hồ, điều đó thì tôi vẫn còn nhớ rõ. Đấy là những tháng ngày lạnh lẽo và cô đơn mà trước đó có nằm mơ tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra được. Nhưng có lẽ cũng bởi vì thế mà tôi nhạy cảm với những điều đẹp đẽ hơn, và có lẽ, bởi vì khi người ta 23 tuổi và trái tim vẫn còn trong trắng, thì những gì thuộc về chân thiện mỹ không xa rời và bất khả như khi người ta đã 33. Tôi của tuổi 23 là một cái gì đó đã trôi mãi vào quá khứ, như một khuôn mặt của người thân đã nhiều năm không gặp, bạn không thể nhớ rõ khuôn mặt ấy, không thể vẽ ra được khi nhắm mắt lại, nhưng bạn nhớ, nhớ rất rõ tâm hồn người đó, sự trong sạch chưa vấy bẩn và những nỗi tuyệt vọng không tài nào che dấu nổi, đấy là một con người đẹp đẽ mà bạn đã mất đi mãi mãi. Một cách thành thực, không khiêm tốn giả tạo, và không phải là không thất vọng với cuộc đời, người trẻ tuổi đó là người đẹp đẽ nhất mà tôi từng biết. Đôi khi tôi ước gì anh ta đã chết ở thời điểm đó, để khỏi phải dấn thân vào những sự bẩn thỉu và tầm thường, để rồi những gì đẹp đẽ trong bản thân anh ta cũng đã cạn đi gần hết.

Dù sao thì được sống lại trong ký ức về người xa lạ đó cũng là một cảm giác xao xuyến bồi hồi. Hồi đó tôi thường đi dạo một mình. Có một tuyến đường tôi đi vài lần và ấn tượng mạnh mẽ về nó đã vào một truyện ngắn của tôi. Nó như thế này :

“…Từ bến bus chúng tôi cuốc bộ thêm khoảng hai mươi phút đến ký túc xá, ăn uống xong tôi rút lui để H. ở lại tán chuyện với em xinh. Hôm nay nắng đẹp, đi dạo rất tốt. Tôi mặc thêm áo ấm rồi vượt qua con đường cái lớn, sang bên kia đã là một rặng cây sồi dài và mỏng. Đi bộ thêm khoảng dăm phút, tôi ra khỏi rặng cây, bắt đầu đi thong thả, vừa đi vừa ngắm những cái hồ nho nhỏ phẳng lặng. Mùa hè ở đây lại không nhiều màu sắc như mùa đông. Nếu bạn ra đây vào khoảng tháng mười một, sương giá bắt đầu làm cây cỏ chết, bạn sẽ thấy đủ mọi sắc màu từ xanh lá cây đến vàng úa, từ xanh lá cây đến trắng. Một khóm cây có trung bình năm sáu màu khác biệt. Con đường đi dốc lên, qua đỉnh đồi, hai bên có hàng rào, là mấy chỗ chăn thả, đợt hè này tôi thấy nhiều ngựa hơn bò, giống ngựa to bốn chân có nhiều lông nên trông như mặc quần ống loe. Khu này có một số nhà vườn nhỏ, trồng hoa và cây cảnh. Vượt qua thêm một ngọn đồi cỏ nữa, đột nhiên bạn sẽ đứng trước rừng thông cao lớn, mỗi cây cao khoảng mười lăm hai mươi mét. Con đường đi thẳng vào rừng thông, và khi đi dưới những tán cây lá kim dày đặc ẩm ướt bạn không thể không nghĩ rằng mình đang lạc vào một câu chuyện thần tiên nào đó.

Đi tiếp sẽ đến một ngã ba, dấu hiệu là có cái ghế băng bằng gỗ. Tôi đã ngồi trên cái ghế này hai lần.

Lần đầu là khi tôi mới sang Đức, mùa thu. Không phải mùa hè mà chưa là mùa đông. Tôi ngồi trên cái ghế gỗ này và lặng yên nhìn sóng đánh dạt dào đến sát chỗ tôi ngồi. Ồ, tôi quên chưa nói với bạn nhỉ ? Sát bên rừng thông này là một cái hồ khá lớn, nếu so với mấy cái hồ con con có nhiều ở vùng này. Hồ có nhiều gió, nên có sóng. Sóng đánh đúng vào chỗ có cái ghế băng, tức là nơi tôi ngồi đấy. Và không hiểu vì sao, sóng nhẹ như vậy mà đánh đến nơi lại sủi bọt, và tôi không thể nào miêu tả được vẻ đẹp của chùm hoa đang dập dềnh ở chỗ nhiều bọt đó. Chỉ biết là, mùa thu không có hoa, khắp vùng hồ đấy, tôi đi, chỉ duy nhất dưới chân chiếc ghế đó là có những bông hoa màu đỏ rực. Hoa lẫn vào bọt trắng xóa, không lẫn vào đâu được. Và cũng chỉ lần đầu tiên ấy là tôi nhìn thấy chúng. Đó là màu đỏ duy nhất trong một vùng núi Ober Harz rộng lớn nhiều sắc xanh, vàng và trắng, nơi nổi tiếng về phù thủy, nơi Margarita của Bulgakov đã kết thúc chuyến bay từ Moscow, lõa thể mà vẫn lộng lẫy, bước đi trên suối trong khi bầy quỷ đủ hình dạng chỉ biết cúi đầu và soi đuốc.

„Nếu Margarita là có thật, hẳn nàng đã từng ngồi đây.“

Sóng cứ đánh vào chân tôi rào rào như để che dấu tiếng khóc thầm, còn tôi không thể làm gì khác hơn là ngồi đó trong cái lạnh dưới không độ, ngạc nhiên ngắm những chùm đỏ rực, ngạc nhiên mãi, triền miên. Lần ấy tôi ngồi rất lâu, đến xâm xẩm tối mới về.

Khi có thời gian, tôi ra lại lần thứ hai thì đã là mùa đông, cả một miền núi phủ đầy tuyết. Mặt hồ đóng băng và tất nhiên, không có sóng. Vẫn gió. Gió còn mạnh hơn hồi mùa thu, rít lên từng chặp một. Nhiệt độ không có gió khoảng âm mười độ, còn có gió phải thấp hơn sáu độ nữa. Tôi tưởng mình đóng băng được. Trời xỉn một màu cháo lòng và bây giờ tôi để ý bên kia hồ có một cái nghĩa địa, không rõ có phải mới xây. Đó là một cảnh tượng thê lương. Tôi không ngồi trên ghế mà chỉ đi qua đó nhanh rồi quay lại. Tôi cảm thấy xót xa quá. Còn buốt nhói hơn những lần đổ vỡ trong tình yêu nhiều. Xót xa đến độ một kẻ không thích thơ lắm như tôi lúc về đã viết ngay ra một bài, và bực mình vì cái mình viết không diễn tả nổi một phần trăm cái mình cảm thấy :

Tôi đã đi qua mùa đông nơi đây

(viết xong tôi chần chừ rồi đánh dấu toàn bộ phần còn lại của bài thơ và ấn del.)

Cả lần này nữa, lần thứ ba, tôi không thấy chúng. Tôi cảm thấy rằng cái màu đỏ mà so với nó hoa phượng còn nhạt nhạt, cái màu đỏ ấy tôi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Đôi khi tôi còn không chắc rằng tôi đã nhìn thấy những bông hoa đó thật, bởi một số bạn của tôi đã ra đây đều nói là chưa bao giờ nhìn thấy cái gì tương tự. Chúng thuộc về một số thứ không thể tiên liệu trước trên trái đất này.

Ngay cả vào mùa hè, ngồi trên chiếc ghế này tôi vẫn thấy lạnh. Trời trong xanh và nếu bạn ở trên cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy thêm một bầu trời nữa qua mặt hồ phẳng lặng trong trắng. Tôi viết vào cuốn sổ nhỏ, lưu lại những hình ảnh, như một hình thức bảo hiểm.”

—–

Thật tốt nếu có cuốn sổ bảo hiểm đó. Những bông hoa màu đỏ của tôi, bây giờ tôi đã biết, tôi sẽ không bao giờ tìm lại. Đó là điều chắc chắn. Qua google map, tôi khám phá ra rằng ngay cả khi sống trong thành phố trên núi nhỏ xíu đó, tôi cũng mới chỉ đi trên một số rất ít những con đường, đến thăm rất ít những cánh rừng, những khu nông trại và có biết bao nhiêu cái hồ tuyệt đẹp không hề kém cái hồ gợn sóng của tôi. Tôi nhớ lại khi mới đến đó, có lần lạc đường trong một buổi tối lạnh dưới không độ, lang thang hơn một giờ đồng hồ mới đến được nhà bạn, người như ướp đá, tôi đã uống một tách trà hoa quả, thứ mà tôi bình thường không bao giờ đụng vào vì tôi chỉ uống trà đen, tôi đã uống nó như một thứ linh đan diệu dược và dòng nước nóng thấm vào cổ họng như khiến tôi hồi sinh. Tôi nhớ những hôm lười nấu cơm, ra đầu ngõ mua bánh mì kebap ở một quán nhỏ xíu không có cả ghế ngồi, nhưng bánh mì của họ rất ngon, tôi vẫn còn nhớ được rate 4 sao trong trang của các quán kebap toàn nước Đức. Tôi nhớ dù đang tháng năm tuyết vẫn rơi phủ một lớp băng mỏng lên lối đi dưới cửa sổ, nhớ rèm lật treo trên trước cửa sổ ấy, nhớ chậu cây đặt trên cái bàn rất to có cạnh viền cong. Tôi nhận ra rằng dù không làm gì nhiều, mười năm qua vẫn là dâu bể. Tôi nhớ lại một tôi khác, người đã ngồi lại bên dưới những hàng thông, trên chiếc ghế gỗ cạnh bờ hồ, người đã ngồi lại đó để ngắm những bông hoa màu đỏ dập dềnh trên bọt sóng – trong một bài ca kỳ lạ, không lời, không âm thanh, bài ca với những lời nhắn nhủ dịu dàng và nghiêm khắc nhất mà tôi từng biết.

Leave a comment